Home Tin tức Điện mặt trời: cuộc đua đang “nóng” của các đại gia Việt

Điện mặt trời: cuộc đua đang “nóng” của các đại gia Việt

by admin-newlinegroup

Cuối tháng 2/2019, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam để lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan.

Theo dự thảo này, giá mua bán điện mặt trời sẽ được tính theo các vùng bức xạ và các loại hình khác nhau của từng dự án điện (Dự án điện mặt trời nổi, Dự án điện mặt trời mặt đất, Dự án điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ, Dự án điện mặt trời mái nhà.)

Điện mặt trời: cuộc đua đang “nóng” của các đại gia Việt - 1

Dự thảo bảng giá điện mặt trời của Bộ Công thương

Giá mua điện mặt trời cao nhất dự kiến là 2.486 đồng/kWh, áp dụng cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà đối với các dự án điện tại Vùng 1 là các tỉnh phía bắc và Bắc Trung Bộ. Vùng 4 có giá mua điện rẻ nhất đối với loại hình dự án điện mặt trời mặt đất, ở mức giá 1.525 đồng/kWh.

Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam đã tạo ra một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này.

Sự hấp dẫn của điện mặt trời đối với giới đầu tư đến từ những ưu đãi như: miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa, để tạo tài sản cố định cho dự án; giảm tiền sử dụng đất; tiền thuê đất; tiền thuê mặt nước và cam kết mua điện giá trên 2.000 đồng/kWh…

Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, cả nước có hơn 330 dự án điện mặt trời đã và đang chờ phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch điện. Trong đó, 121 dự án đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến năm 2020 là 6.100 MW và 2030 là 7.200 MW.

Trên sàn chứng khoán, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết cũng chính thức gia nhập “cuộc đua” cung cấp năng lượng sạch với vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.

“Đại gia” Tổng Công ty Phát điện 3 (GENCO 3, vốn điều lệ hơn 10.000 tỷ đồng) đã đầu tư 3 dự án điện mặt trời trong giai đoạn 2019-2021 bao gồm Vĩnh Tân 2 với công suất 42.65 MWp có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; Ninh Phước 7 công suất tới 200 MWp và điện mặt trời lòng hồ Buôn Kuôp và Srêposk 3 có công suất 100 MW.

CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) cũng triển khai nhiều dự án nhà máy điện mặt trời như Sơn Mỹ 3.1 tại Bình Thuận với vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, công suất 50MWp; dự án Ninh Phước 6.1 có công suất 8,3 MWp và dự án Ninh Phước 6.2 có công suất 50 MWp. Các nhà máy này đều dự kiến được đưa vào vận hành trong quý 2 và quý 3/2019.

Điện mặt trời: cuộc đua đang “nóng” của các đại gia Việt - 3

Điện mặt trời đang thu hút được lượng vốn đầu tư lớn tại Việt Nam

“Ông lớn” Tổng công ty Cổ phần thiết bị điện Việt Nam Gelex cũng đã triển khai dự án Trang trại điện mặt trời Gelex Ninh Thuận tại xã Phước Dinh, Thuận Nam (Ninh Thuận). Nhà máy có công suất 50MWp, tổng vốn đầu tư 1.235 tỷ đồng, được khởi công từ quý III/2018 và đưa vào vận hành trong tháng 4/2019.

Bên cạnh các ông lớn ngành điện, các doanh nghiệp ngoài ngành cũng không chậm chân trong cuộc đua điện mặt trời. Đầu tháng 4, CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) đã công bố nghị quyết đầu tư vào CTCP Điện mặt trời EuroPlast Long An (EUP) bằng việc chi 25,5 tỷ đồng để sở hữu 85% vốn.

CTCP Điện mặt trời EuroPlast Long An vừa được thành lập vào tháng 3/2018. Tháng 9/2018, EUP chính thức khởi công Dự án nhà máy điện mặt trời Europlast tại xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Dự án do CTCP Nhựa Châu Âu là chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1.157 tỷ đồng. Nhà máy có công suất 50MW, xây dựng trên diện tích 58,6h và dự kiến sẽ được hoàn thành và phát điện trước tháng 6/2019, kết nối trực tiếp với hệ thống điện quốc gia.

Cũng tại Long An, vào tháng 9/2018, BCG Energy (công ty con của Tập đoàn Bamboo Capital) cũng đã khởi công dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời BCG Băng Dương tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Theo đó, nhà máy có công suất 40.6 MW, với tổng mức đầu tư 1,100 tỷ đồng, hiện đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Dự kiến tháng 5 tới, dự án này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động.

Ngoài ra, một loat các doanh nghiệp niêm yết khác cũng rót hàng ngàn tỷ đồng vào các dự án điện mặt trời như CTCP Licogi 16 (LCG), CTCP Thủy điện Miền Trung (CHP), CTCP Điện Gia Lai (GEG) hay CTCP Fecon (FCN)…

Có thể bạn quan tâm